Lịch sử Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc

Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tham gia Liên Hiệp Quốc vào năm 1971, nhiều quốc gia bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ tại Bắc Kinh, do đó kết thúc quan hệ ngoại giao với chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Bắc.[4] Nhằm duy trì các quan hệ mậu dịch và văn hóa với các quốc gia không còn có quan hệ ngoại giao, Đài Loan bắt đầu lập các văn phòng đại diện tại các quốc gia này, thường là đặt lại tại các đại sứ quán cũ.

Trước thập niên 1990, tên gọi của các cơ cấu này khác biệt đáng kể giữa các quốc gia, thường bỏ qua bất kỳ ám chỉ nào đến "Đài Loan" hay "Trung Hoa Dân Quốc", mà sử dụng "Đông Á", "Viễn Đông" hoặc "Trung Quốc tự do".[5] Các cơ cấu này tự mô tả bản thân là "trung tâm" hoặc "văn phòng", quan tâm đến mậu dịch, du lịch, văn hóa hoặc thông tin, do đó nhấn mạnh tình trạng tư nhân và phi chính thức của mình, bất chấp việc cấn bộ là nhân viên của Bộ Ngoại giao.

Thí dụ, tại Nhật Bản, đại sứ quán cũ của Trung Hoa Dân Quốc được thay thế bằng "Hiệp hội Quan hệ Đông Á" thiết lập năm 1972.[6] Tại Malaysia, sau khi tổng lãnh sự quán tại Kuala Lumpur bị đóng cửa vào năm 1974, một cơ cấu mang tên Trung tâm Du lịch và Mậu dịch Viễn Đông được thành lập.[7] Tại Philippines, đại sứ quán cũ tại Manila được thay thế bằng "Trung tâm Kinh tế và Văn hóa Thái Bình Dương", thành lập vào năm 1975.[6] Tại Thái Lan, đại sứ quán cũ tại Bangkok được thay thế bằng "Văn phòng Đại diện China Airlines" vào năm 1975.[8] Đến năm 1980, cơ cấu này đổi thành Văn phòng Thương vụ Viễn Đông tại Thái Lan.[7]

Tại Hoa Kỳ, phái bộ của Đài Loan được thành lập vào năm 1979 mang tên "Ủy ban Điều hợp sự vụ Bắc Mỹ" (CCNAA).[9] Tại Anh Quốc, Đài Loan lập cơ cấu đại diện mang tên "Trung tâm Trung Quốc Tự do" vào năm 1963.[10] Tại Tây Đức, đại diện cho Đài Loan là cơ cấu Büro der Fernost-Informationen ("Văn phòng Thông tin Viễn Đông") thành lập vào năm 1972.[11] Tại Tây Ban Nha, một cơ cấu được thành lập vào năm 1973 mang tên Centro Sun Yat-sen ("Trung tâm Tôn Trung Sơn").[12] Tại Hà Lan, cơ cấu mang tên "Văn phòng Thương vụ Viễn Đông".[12]

Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1980, các cơ cấu này bắt đầu sử dụng từ "Đài Bắc" trong danh xưng. Tháng 5 năm 1992, Các văn phòng của Hiệp hội Quan hệ Đông Á trở thành "Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc".[13] "Trung tâm Trung Quốc Tự do" tại Luân Đôn đồng thời đổi tên thành "Văn phòng Đại diện Đài Bắc".[14] Tháng 9 năm 1994, Chính phủ Bill Clinton tuyên bố rằng văn phòng Ủy ban Điều hợp sự vụ Bắc Mỹ tại Washington, D.C. có thể gọi đồng thời là Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc.[15]

Tòa nhà có Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Sydney, Australia

Năm 1989, "Trung tâm Kinh tế và Văn hóa Thái Bình Dương" tại Manila trở thành "Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Philippines".[16] Năm 1991, văn phòng "Dịch vụ Tiếp thị Đài Loan" được thành lập vào năm 1988 tại Canberra, Australia cũng trở thành một "Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc", cùng với các văn phòng "Công ty Mậu dịch Viễn Đông" tại Sydney và Melbourne.[17]

Các tên gọi khác vẫn được duy trì tại một số nơi, như phái bộ tại Moskva có tên gọi chính thức là "Văn phòng Đại diện tại Moskva của Ủy ban Điều hiệp Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc-Moskva",[18] phái bộ tại New Delhi mang tên "Trung tâm Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc".[19] Phái bộ tại Pretoria được gọi là "Văn phòng Liên lạc Đài Bắc".[20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc http://www.taipeitimes.com/News/editorials/archive... http://www.cftc.gov/files/foia/repfoia/foirf0502b0... http://www.rthk.org.hk/rthk/news/englishnews/news.... http://pib.nic.in/newsite/PrintRelease.aspx?relid=... http://www.fapa.org/generalinfo/TPR1994.html http://www.roc-taiwan.org/ZA/mp.asp?mp=402 http://www.roc-taiwan.org/ar_es/index.html http://www.roc-taiwan.org/at_de/index.html http://www.roc-taiwan.org/au_en/index.html http://www.roc-taiwan.org/aubne_en/index.html